Biến đổi khí hậu giờ đây không còn là vấn đề quá xa lạ vì chúng ta đều có thể cảm nhận sự thay đổi của nó ngay ở nơi mình sống. Nó gây ra một loạt các hệ quả nghiêm trọng tác động tới cuộc sống của con người.
Trái Đất vốn là một phần bé nhỏ của vũ trụ nên không thoát khỏi quy luật thống nhất biện chứng chi phối toàn vũ trụ được minh họa trực quan thông qua hiệu ứng cánh bướm nổi tiếng nhằm thể hiện mối quan hệ nhân - quả.
Thế nhưng, đối với các nhà khoa học, mối quan hệ nhân - quả giữa sự biến đổi khí hậu và cường độ giữa các cơn bão xảy ra gần đây vẫn còn gây tranh cãi dù trông chúng có vẻ rất liên quan với nhau.
Chúng ta hẳn chưa hết bàng hoàng vì khung cảnh hoang tàn mà siêu bão Haiyan (năm 2013) để lại sau khi tàn phá Philippines. Với sức gió lên tới 360 km/giờ, đây là siêu bão mạnh nhất trong vòng 100 năm trở lại đây.
Các chuyên gia nói gì về mối quan hệ giữa bão và biến đổi khí hậu?
Siêu bão Haiyan (năm 2013) là siêu bão mạnh nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Ảnh minh họa.
Jeff Masters, Giám đốc khí tượng của công ty Weather Underground tại Mỹ nhận định: Sức tàn phá của nó là khủng khiếp nhất trong các cơn bão nhiệt đới từ trước tới nay, thực tế nó đã khiến 6.300 người Philippenes thiệt mạng.
Kể từ đó, một số bộ phận báo chí quốc tế thậm chí còn khẳng định nguyên nhân gây ra siêu bão này chính là do sự nóng lên của Trái Đất do biến đổi khí hậu.
Tờ báo nổi tiếng ở Úc là Sydney Morning Herald đăng bài viết khẳng định: "Theo các nhà khoa học, khí hậu biến đổi đã ảnh hưởng đến bão Haiyan".
Nhà khí hậu học Kevin Trenberth thuộc Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc gia Mỹ cũng khẳng định mối liên hệ này. Ông cho rằng mực nước biển cũng như nhiệt độ đại dương tăng mạnh ở khu vực Philippines trước đó không phải là điều trùng hợp ngẫu nhiên.
Nhà khí tượng học Jean Jouzel cũng khẳng định mối quan hệ này khi trả lời phỏng vấn của đài phát thanh RTL (Pháp).
Bên cạnh đó nhiều ý kiến của các chuyên gia tỏ ra thận trọng hơn vì chúng ta chỉ mới thu thập dữ liệu của các cơn bão từ năm 1970 (khi vệ tinh được sử dụng để thu thập thông tin bão).
Chuyên gia Fabrice Chauvin ở Trung tâm quốc gia nghiên cứu khí tượng tại Toulouse (Pháp) cho rằng hạn chế này khiến chúng ta chưa thể có đánh giá tổng thể và toàn diện vì không thể so sánh với hoạt động cũng như sức tàn phá của các cơn bão trước 1970.
Không chỉ các cơn bão nhiệt đới trở nên dữ dội và thất thường hơn, trận bão tuyết lịch sử Juno "một thế kỷ mới có một lần" khiến nước Mỹ tê liệt ở quy mô chưa từng thấy kể từ năm 2012 với sức gió lên tới 120 km/giờ.
Don Wuebbles, một nhà khoa học khí hậu của Đại học bang Illinois cho rằng trận bão tuyết Juno là điển hình của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Kevin Trenberth, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (NCAR) nhận định rằng hậu quả của biến đổi khí hậu làm gia tăng độ ẩm trong cơn bão, đồng thời tăng cường sức mạnh cho nó.
Một nghiên cứu của giáo sư Allen cho thấy, trận lụt lịch sử tại Anh năm 2000 có liên hệ tới sự nóng lên toàn cầu và làm tăng mức độ nghiêm trọng gấp 3 lần.
Trận nắng nóng khắc nghiệt ở Nga năm 2010 khiến cho 50.000 người thiệt mạng cũng gia tăng cường độ gấp 3 lần vì sự nóng lên toàn cầu.
Như vậy không chỉ cường độ các cơn bão, những thiên tai, hiện tượng thời tiết khác cũng trở nên mạnh và dữ đội hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, giới khoa học vẫn luôn có 2 luồng ý kiến trái ngược về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và cường độ các cơn bão. Thậm chí, đến thời điểm hiện nay, không ai có thể chứng minh một cách rõ ràng mối liên hệ này.
Nghiên cứu khoa học về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và cường độ bão
Nhiệt độ nước biển tăng lên khiến hơi nước bốc hơi nhiều hơn. Ảnh Global For Life.
Báo Le Temps (Thụy Sĩ) ghi nhận rằng đến nay, mối liên hệ này vẫn chưa được các nhà khoa học thiết lập, họ xem đây là mối quan hệ khá nhạy cảm và rất thận trọng khi nói tới vì rất dễ gây ra sự tranh cãi không hồi kết.
Giáo sư Myles Allen của trường Đại học Oxford cho biết, đa số các nhà khoa học đều thống nhất biến đổi khí hậu không phải nguyên nhân dẫn tới cường độ bão càng ngày càng mạnh lên.
Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến trái ngược...
Năm 2010, tờ báo nghiên cứu về khoa học địa lý tự nhiên (Nature Geoscience) từ năm 2010 đã chỉ ra sự nóng lên toàn cầu đang khiến cường độ bão tăng lên và lượng mưa tại tâm các cơn bão cũng sẽ tăng 20%.
Năm 2011, một báo cáo tổng hợp từ Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu chỉ ra một khía cạnh khác là tốc độ gió trung bình của các cơn bão đang tăng lên.
Một nghiên cứu năm 2013 của giáo sư Kerry Emmanuel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng tán thành mối liên hệ này khi chỉ ra bằng chứng về số lượng và cường độ của các cơn bão nhiệt đới phía tây Bắc Thái Bình Dương tăng lên, nơi đang có nhiệt độ và mực nước biển tăng lên.
Chuyên gia Pascal Peduzzi (phụ trách Đơn vị thay đổi toàn cầu và tính chất dễ tổn thương của Chương trình Môi trường LHQ) giải thích về sự ấm lên của đại dương sẽ là cho sức mạnh của bão tăng theo.
Từ năm 2007, nhóm chuyên gia liên chính phủ về diễn biến khí hậu của Liên Hợp Quốc cũng kết luận: Các cơn bão trong tương lai sẽ mạnh hơn do bề mặt đại dương nóng lên.
Hơi nước bốc lên càng nhiều, cơn bão càng được cung cấp năng lượng. Ảnh Global For Life.
Trong báo cáo mới nhất công bố hồi tháng 9-2013, họ chỉ ra từ năm 1971 đến năm 2010, bề mặt nước biển đã nóng lên bình quân 0,1°C mỗi 10 năm và trong vòng 100 năm qua, mực nước biển đã tăng lên 0,31 m.
Chuyên gia Matthias Münnich thuộc tổ vật lý môi trường ở Trường Bách khoa liên bang tại Zurich (Thụy Sĩ) hay Giáo sư Will Steffen của trường Đại học Quốc gia Australia đều chung ý kiến cho rằng chính nhiệt độ của bề mặt nước biển đã cung cấp thêm năng lượng cho các cơn bão
Nhà khoa học Pascal Peduzzi khẳng định không chỉ nước biển ấm lên, mà sự nóng lên toàn cầu còn làm cho băng ở 2 cực tan dần và mực nước biển cũng dâng theo, điều này làm các cơn bão sẽ đi sâu vào đất liền hơn.
Một nhóm các nhà khoa học Đức tới từ Trung tâm Helmholtz học viện Alfred Wegener (Alfred Wegener Institute Helmholtz Centre) đã có một nghiên cứu chỉ ra rằng sự ấm lên của các đại dương sẽ làm cho các cơn bão ở Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc tăng lên.
Những trận bão lũ lớn ở Mỹ và ý kiến của các chuyên gia
Cựu tổng thống Obama thảo luận về sự ấm lên toàn cầu với nhà khoa học Hayhoe và diễn viên Leonardo DiCaprio tại Nhà Trắng. Nguồn: Al Drago/The New York Times.
Nhà khoa học thời tiết người Canada có tên Katharine Hayhoe là tác giả của các cuôn sách về sự biến đổi khí hậu như A Climate for Change: Global Warming Facts for Faith-Based Decisions, hiện đang làm việc tại Đại học Công nghệ Texas.
Bà cũng có tên trong 100 người ảnh hưởng nhất theo tạp chí Time bình chọn cũng như 100 Nhà tư tưởng Toàn cầu (Foreign Policy’s 100 Leading Global Thinker).
Katharine Hayhoe là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Ảnh Internet.
Câu hỏi mà bà nhận được nhiều nhất khi có một hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra đó là: Có phải biến đổi khí hậu gây ra chuyện này?
Trong trận lũ lụt cao nhất trong lịch sử bang Texas năm 2016 vừa qua còn khẳng định chính sự biến đổi khí hậu đã đóng vai trò chính khiến trận lũ lụt ở Houston (Texas) trở nên nghiêm trọng như vậy.
Để làm rõ ý của mình bà lấy một câu chuyện minh họa, khi ai đó bị đau tim và tìm đến bác sĩ, họ sẽ hỏi bác sĩ nguyên nhân là do di truyền hay lối sống của mình.
Và bác sĩ sẽ nói có thể do cả hai, vì bạn không thể thay đổi yếu tố di truyền (khách quan) nên lối sống (chủ quan) là yếu tố duy nhất bạn có thể kiểm soát nhằm giảm tối đa nguy cơ bị đau tim.
Sự nóng lên toàn cầu khiến hơi nước bốc hơi nhiều hơn, làm tăng cường mức độ năng lượng của cơn bão. Ảnh NOAA National Weather Service.
Cũng giống như trận lụt lớn ở Houston, "yếu tố di truyền" chính là những cơn mưa lớn và bão mạnh, nhưng "lối sống" (chính là sự biến đổi khí hậu) đã làm tăng mối nguy hiểm cho trận lụt lịch sử.
Bà giải thích chính sự nóng lên đã khiến cho lượng nước bốc hơi từ đại dương hay sông hồ tăng theo, từ đó cũng cấp lượng nước lớn cho các cơn bão, gia tăng cường độ của chúng.
Giáo sư John Nielsen-Gammon, nhà nghiên cứu khí hậu học từng được George W. Bush bổ nhiệm năm 2000 qua nghiên cứu của mình, đã chỉ ra rằng những trận mưa cường độ lớn gần đây xuất hiện mỗi năm thay vì mỗi hai năm như trước kia.
Giáo sư John Nielsen-Gammon là chuyên gia nghiên cứu khí tượng và thời tiết học tại Đại học Texas A&M, đồng thời đảm nhiệm vai trò nhà nghiên cứu thời tiết tại bang Texas từ năm 2000 do chính cựu tổng thống George W. Bush bổ nhiệm.
Giáo sư chuyên ngành khí hậu học John Nielsen-Gammon hiện đangg làm việc tại trường Đại học Houston. Ảnh Internet.
John Nielsen-Gammon giải thích về tác động của sự biến đổi khí hậu với sinh viên Đại học Luật Houston. Ảnh law.uh.edu.
Những trận lụt lớn thường xuất hiện mỗi 100, 500 hay 1.000 năm thì nay lại xuất hiện trong thời gian ngắn hơn.
Ông cho rằng Texas sẽ còn hứng chịu nhiều trận bão lớn bất thường hơn trong tương lai khi mà nhiệt độ nước biển ấm dần lên. Ông cho biết nhiều nhà khoa học đều tin rằng Trái Đất sẽ ấm lên trong những thập kỷ tiếp theo.
Và tác động của nó chính là sự biến đổi khí hậu, gây ra những thảm hỏa (catastrophic) cho con người như các trận bão lớn vừa qua trên khắp thế giới.
Trận lũ lụt Bang Louisiana của Mỹ tháng 8 năm 2016 khiến 20.000 người phải sơ tán cũng được một nhóm các nhà khoa học thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ xác định là do biến đổi khí hậu tác động (chiếm tới 40 % tác động), làm tăng cường độ cơn bão lên 10 %.
Đánh giá về trận lũ lớn ở Louisiana, Katharine Hayhoe nhận định: "Cơn bão này là một ví dụ tốt về việc tại sao chúng ta nên quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu".
Bà cho biết thêm, khi nhiệt độ trung bình của nước biển ấm lên, mà cụ thể là trường hợp vịnh Mexico (nơi cơn bão được tạo thành từ mùng 7 tháng 8, 2016).
Bà dẫn chứng điều này như một ví dụ cho thấy việc ấm lên sẽ làm tăng cường lượng hơi nước bốc hơi và đồng nghĩa với việc làm tăng cường độ cơn bão.
Heidi Cullen, nhà khoa học dẫn đầu nhóm nghiên cứu trận lũ Louisiana tại Trung tâm Thời tiết (Climate Central) cho biết:
"Bạn phải thận trọng khi kết luận từ phân tích của mình, nhưng trong trường hợp Louisiana, chúng tôi có đủ căn cứ để nói rằng biến đổi khí hậu làm tăng cường độ cơn bão".
Mặc dù các nhà khoa học chưa thể tìm ra bằng chứng thuyết phục nhất cho mối liên hệ giữa sự biến đổi khí hậu và cường độ các cơn bão ngày càng mạnh trong nhiều năm gần đây nhưng Katharine Hayhoe cho rằng, giống như trọng lực, dù bạn có tin hay không sự tồn tại của nó, nó vẫn sẽ luôn kéo bạn xuống mặt đất!
Bài viết sử dụng các nguồn: NYTimes, Insideclimatenews.org, NASA.gov
Trước khi lao vào sao Thổ "tự sát", phi thuyền Cassini tỷ đô của NASA lại lập kỷ lục mới