Rất nhiều người bị vẻ hào nhoáng của Hollywood đánh lừa mà không nhớ rằng bộ phim Snowden sắp chiếu tháng 9 này là dựa trên sự kiện có thật.
Nhân vật chính (được Joseph Gordon-Levitt thủ vai trong bộ phim mới) đó là Edward Joseph Snowden, cựu nhân viên kỹ thuật và bảo mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và là cũng là cựu nhân viên chính thức của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).
Anh nổi tiếng với việc đã làm rò rỉ những bí mật hàng đầu của chính phủ Mỹ và Anh cho báo chí, chủ yếu là những chương trình theo dõi người dân.
Cụm từ “theo dõi bất hợp pháp” không thể sử dụng trong trường hợp này, bởi lẽ chính chính phủ đã là luật pháp rồi.
Sự nghiệp của Snowden không bắt đầu bên bàn máy tính, mà là từ những bài tập luyện gay gắt của lực lượng bộ binh Mỹ.
Vào ngày mùng 7 tháng 5 năm, Snowden xin vào Lục quân Trừ bị Hoa Kỳ, ứng viên của Lực lượng Đặc biệt. Anh cho rằng mình “có trách nhiệm, như một người bình thường, phải giúp đỡ những người khác khỏi sự áp bức”.
Đáng buồn là anh không thể hoàn thành khóa huấn luyện do bị gãy chân trong quá trình tập luyện. Ngày 28 tháng 9 năm 2004, anh giải ngũ.
Ít lâu sau, vào năm 2005, anh trở thành chuyên gia bảo mật tại Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ của Đại học Maryland.
Sau một quá trình làm việc tại Dell và CIA, Snow được tuyển vào NSA làm việc năm 2013. Trong sự nghiệp của mình, Snowden được coi là “thầy phù thủy máy tính” và luôn xuất sắc trong công việc.
Thời gian làm việc ở NSA là khoảng thời gian mà Snowden và một số đồng nghiệp của mình tự đặt ra những câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp, khi mà anh mô tả với một ví dụ cụ thể:
“Khi một người đồng nghiệp nhìn thấy một tấm ảnh khỏa thân của một cô gái trong một tư thế khiêu gợi, họ làm gì? Quay màn hình ra cho toàn bộ văn phòng thưởng thức”.
Trong suốt quá trình làm việc của mình, Snowden chứng kiến những điều không hề hay ho mà các cơ quan chính phủ thực hiện. Mục tiêu của gián điệp chính phủ là lấy được càng nhiều thông tin càng tốt, càng nhiều người “vào rọ” càng tốt.
Họ sẽ chuốc say những mục tiêu của mình, tống họ vào tù rồi lại bảo lãnh họ ra, hiển nhiên sau sự vụ đấy thì đối tượng sẽ mắc nợ họ. Thông tin lấy bằng phương pháp ấy nhiều vô kể.
Chưa kể anh phải chứng kiến cảnh máy bay không người lái của CIA thường xuyên xử lý những mục tiêu bí mật, việc NSA sử dụng một mạng lưới giám sát khổng lồ và cực kì ấn tượng, với việc theo dõi địa chỉ MAC của bất kì thiết bị điện tử nào kết nối internet.
Ngược lại với niềm tin vào hệ thống giám sát của chỉnh phủ của anh giảm sút, vị trí chuyên gia bảo mật và kỹ thuật được tin tưởng tuyệt đối của anh lại càng cao lên.
Anh còn nói thêm rằng trước khi anh mang đi những thông tin quý giá ấy, anh đã thực sự để lại những manh mối, những “dấu vết kĩ thuật số” cho chính phủ lần ra được anh đã lấy những gì.
Dựa vào đó, anh mong rằng chính phủ Mỹ không coi hành động ấy của anh là làm gián điệp cho các thế lực nước ngoài, hoàn toàn đó chỉ là một hồi chuông cảnh báo về những hành động mà anh cho là đi ngược lại với đạo đức, bảo mật và sự tự do.
Điều đó cũng giúp chính phủ có thời gian chuẩn bị cho những lần rò rỉ thông tin khác trong tương lai, cho phép họ có thể đổi những mã cần thiết, xem xét lại các kế hoạch đã bị lộ và tìm cách khắc phục thiệt hại gây ra.
Nhưng anh tin rằng, NSA đã bỏ qua những manh mối mà anh để lại đó, chỉ đơn giản là đưa ra những con số về lượng tài liệu mà anh đã động vào, một con số mà anh nói là phóng đại.
“Tôi chỉ nghĩ rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc lần dấu những vết tích tôi để lại”, Snowden nói. “Tôi đã không nghĩ rằng họ còn không có khả năng làm việc đó”.
Edward Snowden đã tính tới việc vén màn bí mật này từ lâu rồi, nhưng khi Obama đắc cử, anh đã trì hoãn kế hoạch đó lại. “Tôi đã nghĩ rằng chính sách của Obama rất ấn tượng và khả quan, thể hiện rõ ràng quan điểm của tôi”, Snowden nói.
"Ông ấy đã nói rằng chúng ta sẽ không phải từ bỏ quyền của mình. Chúng ta sẽ không phải thay đổi bản thân chỉ để tỉ lệ bắt giữ tội phạm khủng bố nhỉnh hơn đôi chút”.
Nhưng rồi anh đã thất vọng với việc Obama đã không giữ được lời hứa của mình một cách trọn vẹn. Nhưng đó vẫn chưa phải giọt nước làm tràn ly.
Lúc ấy là khi Snowden tìm ra một chương trình theo dõi bí mật khi anh làm việc cho NSA. Với khả năng lưu trữ cực lớn, lên tới 5000 tỷ tỷ trang văn bản, trong một tòa nhà 92.000 mét vuông mà NSA gọi là Mission Data Repository – MDR.
Hàng tỉ cuộc gọi, cú fax, email, dữ liệu thông tin từ máy tính này sang máy tinh khác và tin nhắn điện thoại từ khắp nơi trên thế giới chảy qua "con đập" MDR mỗi giờ. Một số đi qua, một số được giữ lại và phân tách rõ ràng, và một số thì được cơ quan này giữ lại nghiên cứu luôn.
Việc giám sát mọi người chưa phải là điều tệ nhất trong những khám phá của anh. Một chương trình chiến tranh thông tin khổng lồ đang được thành hình, với tên gọi MonsterMind.
Nó sẽ tự động xác định một cuộc tấn công từ bên ngoài bằng cách theo dõi traffic của toàn bộ hệ thống mạng lúc ấy. Và khi phát hiện ra được một cuộc công kích qua lượng traffic dồn về đột biến, MonsterMind sẽ tự động chặn cuộc tấn công ấy lại.
Những chương trình như vậy đã tồn tại nhiều thập kỉ, nhưng con quái vật mới này có một khả năng mới đặc biệt: không chỉ phát hiện cuộc tấn công, nó còn có thể tự động đánh trả ngay lập tức mà không cần con người can thiệp.
Theo Snowden, đó chính là vấn đề. Thông thường những cuộc tấn công như vậy sẽ có một vỏ bọc là một nước thứ ba, nếu như MonsterMind đánh nhầm đối tượng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì sao?
Việc theo dõi người dân nước Mỹ (và cả ở các nước khác nữa) cùng những công cụ đe dọa sự tự do đã khiến anh hành động, quyết định đánh cắp thông tin mật của chính phủ Mỹ và thông báo cho toàn thế giới biết.
Lượng thông tin chính xác mà Snowden tiết lộ là không thể xác định được, nhưng chính phủ Úc ước lượng rằng 15.000 tập tin mật của họ đã ra bị phơi bày ra với công chúng, với chính phủ Anh thì số lượng lên tới 58.000 tập tin.
Giám đốc NSA, ông Keith Alexander ước tính rằng Snowden đã copy từ 50.000 cho đến 200.000 tài liệu mật của NSA, Bộ Quốc phòng cho hay họ đã bị đánh cắp 900.000 tập tin mật, nhiều hơn cả NSA.
Những con số ấy vẫn chưa tính tới cả chục ngàn thông tin cá nhân anh lấy từ cơ sở dữ liệu của các tài khoản NSA theo dõi.
Trong hai năm 2014 và 2015, Mỹ và Anh đã cáo buộc rằng những bí mật quân sự mà Snowden để lộ ra với thế giới đã khiến cuộc chiến chống khủng bố của họ gặp trở ngại.
Nhưng điều đó không ngăn cản anh, với tuyệt bố rằng “chính phủ Mỹ chỉ có thể ngăn chặn sự việc này bằng cách bỏ tù hoặc ám sát tôi. Sự thật đang đến với thế giới, và sự thật ấy không thể bị ngăn cản”.
Nhiều người coi hành động của anh là một hành động dũng cảm của một người hùng, có những người coi hành động ấy là của một kẻ tội phạm và đã làm lộ bí mật quốc gia.
Nhưng Snowden nói trong một bài phỏng vấn rằng: “Tôi không phải người hùng mà cũng không phải là kẻ phản quốc. Đơn giản tôi là người Mỹ”.
Snowden nói rằng anh sẽ tiếp tục hé lộ nhưng thông tin mới, “Chúng ta vẫn chưa nhìn thấy được tới những điều bí mật cuối cùng mà tôi có”.
Vẫn còn hàng trăm ngàn trang tài liệu mật, nhưng câu hỏi ta cần trả lời không như chúng ta nghĩ. Khi mẩu thông tin mật tiếp theo được công bố, không phải là ta sẽ biết được gì, mà là ta sẽ sẵn sàng làm những gì với chúng?
Câu chuyện về cuộc đời của Edward Snowden sẽ được lên màn ảnh vào ngày 16/9 tới, với cái tên Mật Vụ Snowden.
Chắc hẳn bộ phim ấy sẽ khiến bạn hình dung dễ dàng hơn về cuộc đời của một chàng trai đã dấn thân vào con đường không có lối về, để thông báo cho cả thế giới biết rằng con người cần sự tự do hơn lúc nào hết.
Tham khảo wired
Cận cảnh rắn đột biến 2 đầu "cấu xé" con mồi đáng thương