Mỗi khi thu về, gần như tất cả chủng gấu trên thế giới bắt đầu rậm rịch chuẩn bị chỗ trú ẩn để ngủ một giấc thật dài, cho qua đi những cơn lạnh lẽo cắt da thịt lúc đông tới.
Một giấc ngủ đông của gấu có thể kéo dài tới 6 tháng. Trong lúc này, thân nhiệt gấu hạ xuống, nhịp tim cũng giảm từ 55 nhịp/phút xuống còn 9, còn quá trình trao đổi chất chỉ đạt 53%.
Nhưng có một vấn đề hơi tế nhị một chút. Ấy là trong quá trình ngủ đông, gấu có "đi nặng" không?
Ngủ sấp mặt, gấu có "ị" không?
Câu trả lời là không! Gấu có thể trải qua cả mùa đông mà không cần phải giải quyết. Tuy nhiên, chúng làm vậy bằng cách nào?
Theo như Brian Barnes thuộc Viện sinh học Bắc Cực ĐH Alaska Fairbanks, người đã có nhiều năm nghiên cứu về gấu đen, thì gấu tự tạo ra một "nút phân" để... bịt cổng sau lại, không cho chất thải thoát ra.
Trước kia, khi nghiên cứu về chế độ ngủ đông của gấu, các chuyên gia cho rằng gấu tạo ra nút bịt này bằng cách ăn hàng tấn thức ăn khó tiêu hoá. Tuy nhiên theo nghiên cứu mới đây, hóa ra đây là một cơ chế riêng của gấu.
Kể cả khi không ăn, các tế bào và chất bài tiết trong ruột vẫn tiếp tục hình thành phân, tạo thành một nút chặn ở trực tràng, ngăn không cho các chất thải đi ra đường cổng sau.
Trên website của Trung tâm gấu Bắc Mỹ có nêu: "Trong 5 - 7 tháng ngủ đông, gấu tích tụ một lượng phân có đường kính lên tới 6,4cm để tạo thành nút chặn. Cái nút này đơn giản chỉ là phân lưu cữu, bị thành ruột hấp thụ hết nước, trở nên khô và rất cứng".
Cũng chính vì thế, việc đầu tiên sau khi thức dậy của gấu chính là... "đi nặng". Barnes cho biết: "Sau khoảng 6 - 7 tháng trong hang, việc đầu tiên gấu làm sau khi thức dậy là phóng uế - thường là ngay gần cửa hang. May mắn là thứ chúng thải ra có mùi khá nhẹ, không quá kinh khủng như bình thường".
Nguồn: Science Alert
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét