Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

"Bún chửi" lên sóng CNN? Chờ đã nào... Đến Obama đôi lúc còn văng tục cơ mà!

Mới đây, kênh truyền hình Mỹ CNN vừa phát sóng một phóng sự về một hàng bún tại Hà Nội. Người dẫn chương trình là đầu bếp nổi tiếng Mỹ - Anthony Bourdain - người đã từng thưởng thức bún chả với tổng thống Obama trong chuyến công du sang thăm Việt Nam.

Trong chương trình, đầu bếp Bourdain đã dành rất nhiều lời khen dành cho hương vị của món bún, và những tưởng đây sẽ là một câu chuyện đầy tự hào về ẩm thực của Hà Nội.

Thế nhưng quán bún được vinh dự lên sóng lại là "bún chửi" ở Ngô Sĩ Liên - hàng bún rất ngon nhưng đi kèm đặc sản là những lời siêu... khó nghe của bà chủ.

Bún chửi lên sóng CNN? Chờ đã nào... Đến Obama đôi lúc còn văng tục cơ mà! - Ảnh 1.

Bà Thảo - chủ quán bún lên sóng CNN

Vậy là câu chuyện từ tự hào lại trở thành tranh luận: việc chửi tục như vậy lên sóng truyền hình quốc tế là đáng tự hào hay là điều xấu hổ, hay thậm chí nặng nề hơn là... nhục?

Thực ra thì, xin hãy bình tĩnh lại đi! Nói tục, chửi thề là rất xấu - điều này không cần phải bàn cãi - nhưng không đến mức phải thấy nhục nhã với chúng bạn thế giới đâu. Bởi vì họ cũng chửi bậy nhiều vô cùng!

Số liệu đáng giật mình về nói tục, chửi bậy trên thế giới

Hầu như ai cũng đã từng chửi thề - đây là kết luận của rất nhiều nghiên cứu đáng tin cậy trên thế giới.

Ví dụ như theo một khảo sát được đăng trên Survey Pro - một trang web chuyên về khảo sát của Mỹ - các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi: "Bạn đã bao giờ nói tục, chửi thề chưa?". Kết quả là 90% người tham gia đã thú nhận mình đã từng chửi thề ít nhất 1 lần trong đời, trong đó trên 50% làm điều đó rất thường xuyên và tự nhiên như... hơi thở.

Bún chửi lên sóng CNN? Chờ đã nào... Đến Obama đôi lúc còn văng tục cơ mà! - Ảnh 2.

Theo một thống kê khác, các từ ngữ tục chiếm khoảng 0,5% đến 0,7% số lượng từ ngữ chúng ta thốt lên mỗi ngày, bất kể ngôn ngữ, quốc gia. Con số này tăng lên tuỳ thuộc vào người nói nhiều hay nói ít nữa.

Trên thực tế, một số nghiên cứu cũng cho rằng việc chửi thề giống như một... cơn nghiện - một khi đã mắc thì cực kỳ khó bỏ, và nó đã bắt nguồn từ rất lâu, tại tất cả mọi nơi trên thế giới.

Người Anh từ thời Trung Cổ đã biết chửi thề với từ "damn" (tạm dịch: khốn kiếp) vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay. Người Á Đông, việc chửi thề, chửi tục gắn liền với địa vị xã hội, gia thế, thể diện của tổ tiên, cùng... các thể loại bộ phận cơ thể người.

Bún chửi lên sóng CNN? Chờ đã nào... Đến Obama đôi lúc còn văng tục cơ mà! - Ảnh 3.

Duy có người Nhật là rất ít chửi tục bằng các động từ về tình dục. Thay vào đó, họ dùng các từ ngữ nhẹ nhàng hơn như nói người kia là... đồ ngốc - baka. "Đồ ngốc" trong tiếng Nhật mang ý nghĩa nặng nề hơn so với từ "a fool" trong tiếng Anh.

Ngay với những người nổi tiếng, thậm chí là nguyên thủ quốc gia - những vị trí đòi hỏi sự nghiêm túc và cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói - cũng đôi lúc chửi thề.

Tổng thống Mỹ - Obama đã từng thú nhận ông có chửi thề: "Những điều tồi tệ, những điều ngu ngốc vẫn luôn xảy ra mỗi ngày đúng không? Vậy nên bạn cần phải học cách biến chúng thành niềm vui. Đó là lúc những từ ngữ chửi thề rất có tác dụng" - ông biện hộ như vậy.

Các dữ liệu thực tế cũng chỉ ra như vậy. Obama từng đứng trước camera mà gọi Kanye West là "jackass" ("con lừa" với nghĩa tục) vì trò quậy phá của chàng rapper khi Taylor Swift nhận giải VMA.

Bún chửi lên sóng CNN? Chờ đã nào... Đến Obama đôi lúc còn văng tục cơ mà! - Ảnh 4.

Tổng thống Obama từng gọi rapper Kanye West là "con lừa" vì trò quậy phá trong VMA 2013

Lịch sử nước Mỹ cũng ghi nhận nhiều tổng thống chửi thề, như Richard Nixon, Lyndon B. Johnson... Ngay cả cựu Tổng thống George W. Bush vốn rất bảo thủ trong vấn đề này cũng từng gọi một cô phóng viên là "major-league" chỉ vì cô hơi thừa cân (major-league là một từ mang nghĩa tục, ám chỉ một vật ngoại cỡ).

Trong chính trường quốc tế, các nguyên thủ quốc gia đôi lúc cũng mất bình tĩnh và nói những lời lẽ không hay. Đầu tháng 9/2016, tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte thậm chí đã gọi Obama là "đồ khốn nạn" theo tiếng địa phương, vì tổng thống Mỹ đã chất vấn ông về việc ủng hộ dân thường sát hại tội phạm.

Nêu vậy để thấy rằng dù không phải việc nên làm, thì chửi thề vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi trên thế giới, kể cả những nơi nghiêm túc nhất.

Những điều có lợi khó tin từ hành vi xấu xí

Thứ gì cũng có 2 mặt, và chửi thề cũng vậy. Khá nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những giả thuyết, dẫn chứng khi cho rằng, ở góc độ nào đó chửi thề không hoàn toàn xấu.

Đầu tiên, giả thuyết đến từ ĐH Lancaster (Anh) cho rằng chửi thề làm tăng khả năng giao tiếp hiệu quả. Cụ thể, khi chửi thề, chúng ta sẽ không chỉ truyền đạt cảm xúc của mình qua từng câu chữ mà còn những phản ứng về xúc cảm.

Cùng với đó, vốn từ vựng, giọng điệu người nói cũng trở nên phong phú hơn. Thậm chí, đã có những nghiên cứu chưa được kiểm chứng chỉ ra rằng người hay chửi thề có tiềm năng trở thành... thiên tài.

Bún chửi lên sóng CNN? Chờ đã nào... Đến Obama đôi lúc còn văng tục cơ mà! - Ảnh 5.

Chửi thề cũng đem lại một số lợi ích nhất định

Một giả thuyết khác từ ĐH Modena e Reggio Emilia (Ý) cho rằng chửi thề là 1 cách bày tỏ sự tức giận, buồn bực hay đau đớn, làm giảm bớt sự ức chế cho hệ thần kinh mà không phải sử dụng đến bạo lực thể xác.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy việc chửi thề có thể khiến con người cải thiện đáng kể khả năng chịu đau đớn. Theo các chuyên gia thuộc ĐH Keele (Anh), nguyên do là vì chửi thề như một phản ứng bình thường của cảm xúc, làm tăng nhịp tim lên tương đối nhiều.

Đây là phản ứng khi cơ thể gặp phải căng thẳng do đau đớn thể xác, vì thế việc chửi thề trong tình huống này được xem như một liều thuốc giảm đau hiệu quả.

Tạm kết

Bài viết này chỉ muốn nêu lên một sự thật rằng, chửi thề là một thói quen mà hầu như người nào cũng mắc phải, và thậm chí nó còn đem lại một số ích lợi nữa. Ngay cả Anthony Bourdain cũng rất vui vẻ mà cho rằng bà chủ quán "bún chửi" chỉ thẳng thắn và suồng sã với khách hàng thôi.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta nên cổ suý cho chuyện này, vì dù sao chửi thề vẫn là một thói quen không đẹp, nhất là trong ngành dịch vụ.

Nhưng dù sao, cũng không cần thiết phải sử dụng những ngôn từ quá nặng nề - như "xấu hổ cho quốc gia" để lên án điều này, bởi vì bè bạn quốc tế cũng không quá đánh giá đâu.

Nguồn: CNN, BBC

Điều vĩ đại nhất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét